Hầu hết áo thun chúng ta mặc ngày nay đều làm từ sợi vải cotton, polyester và sự pha trộn của hai thứ vải này với nhau. Việc may một chiếc áo thun cũng khá đơn giản. Hiện nay, mọi quy trình đều được tự động hóa bằng máy, từ quy trình cắt, vắt sổ đến ráp các mảnh áo lại với nhau. Song, công đoạn quan trọng nhất thể hiện đẳng cấp của một chiếc áo thun tốt là dệt vải. Vải áo dệt càng mỏng, áo mặc càng mát và nhẹ. Mồ hôi sẽ nhanh thấm và thoát ra khỏi thớ vải khi gặp gió, vì thế luôn tạo cảm giác khô thoáng và thoải mái.
Sau này, kĩ thuật in laser cho phép in tất cả các hình muốn thể hiện lên mặt áo. Ngay từ thập niên 1960, áo thun có in hình đã trở thành mốt thời thượng khi các ban nhạc rock đi vòng quanh thế giới quảng bá cho tour diễn của mình với những chiếc áo thun có những hình vẽ rất ấn tượng.
Năm 1980, máy nhuộm áo nhiệt độ ra đời, nghĩa là màu áo có thể thay đổi theo nhiệt độ. Tuy nhiên, loại áo “thông minh” này lại không được chuộng lắm bởi chất nhuộm bám lên áo dễ bị phân hủy khi giặt. Và chỉ một thời gian ngắn sau, chiếc áo không còn được như ban đầu mà biến thành hỗn hợp màu loang lổ rất mất thẩm mỹ. Công nghệ nhuộm màu cho áo thun đặc biệt quan trọng, nó ít nhiều phụ thuộc vào chất liệu thun thấm được độ đậm đặc của màu đến đâu.
Cho dù áo thun có hình họa phổ biến từ những năm 1960, song phải 30 năm sau, chiếc áo có in hình logo mới thật sự làm khuynh đảo giới trẻ. Những nhà thiết kế danh giá của Calvin Klein, Fubu, Ralph Lauren và The Gap đã nhảy vào “cuộc chiến” để đưa ra các mẫu logo gắn liền với thương hiệu áo thun của họ.
Sang năm 2000, loại áo thun có in khẩu hiệu và những lời châm biếm rục rịch xuất hiện trên thị trường. Công chúa nhạc Pop một thời Britney Spears và cô nàng đỏng đảnh Paris Hilton là những người đi tiên phong trong trào lưu mặc áo thun in những khẩu hiệu gây sốc
Xu thế màu sắc của áo thun càng ngày càng nền nã và bớt “kịch tính” hơn với nhiều mẫu mã và kiểu loại như áo thun cổ cách điệu khác nhau, áo thun tay dài …. Nếu năm 2006, các sàn diễn thời trang thế giới tràn ngập áo thun tông màu nổi như da cam, đỏ, tím thì năm 2007, các gam màu đã được tiết chế cho giảm sắc độ xuống. Bởi thế, những tông màu cơ bản của thời trang như đỏ, đen và trắng vẫn luôn giữ vị thế số một.
Sành chọn áo thun
Với nhiệm vụ thấm hút mồ hôi, giảm nhiệt và làm mát cơ thể, áo thun tốt nhất nên được làm 100% cotton. Khi được pha thêm polyester nhằm tạo độ co giãn, các tính năng trên của áo thun sẽ giảm đi, song nó lại tạo ra những đường lượn gợi cảm cho người mặc. Đó là lý do đàn ông luôn thích áo thun làm hoàn toàn từ vải cotton, còn phụ nữ lại chuộng áo có chất co giãn để tăng thêm nét quyến rũ. Tất nhiên, chiếc áo thun đẹp hay không còn phụ thuộc vào chính người mặc nó.
– Cổ cao: Nên mặc áo thun có cổ, bẻ ra bên ngoài để rút bớt độ ngắn của cổ.
– Vai to, cổ ngắn: Áo thun hình cổ tim duyên dáng là lựa chọn số một. Kiểu cổ này giúp tạo điểm nhấn nơi chiếc áo, khiến người đối diện “quên” mất những nhược điểm của người đang mặc.
– Da trắng: Đây là nước da dễ “ăn” các màu của áo thun nhất. Các màu như đỏ tươi, đỏ tím và đen sẽ mang lại cho bạn một ấn tượng khó phai, các kiểu áo thun nam dài tay cũng là một lữa chọn không thể bỏ qua.
– Da ngăm đen: Đừng đặt những chiếc áo thun có màu tối vào tủ áo quần của bạn nữa, nó sẽ làm cho khuôn mặt bạn không được sáng và già đi trông thấy. Nên chọn các màu nhạt, dễ chịu như hồng phớt, xanh lơ, trắng để tôn dáng vóc của bạn lên.
– Diện với quần tây: Hãy quên đi kiểu thời trang hài hước này. Mặc áo thun với quần tây ống đứng để đi làm chưa bao giờ là lựa chọn của những người có phong cách thời trang.
– Đi với quần jeans và soóc: Bản thân áo thun đã nói lên phong cách khỏe khoắn và đơn giản, nên dù là áo rộng, áo ôm, có cổ hay không cổ thì cách mặc với quần jeans và quần soóc vẫn được chuộng qua mọi thời đại.
Bí quyết giữ áo thun được bền đẹp
– Áo thun được dệt tốt sẽ có độ chảy xệ ít hơn, nhưng để hạn chế sự bai giãn của áo, bạn nên phơi ngang áo trên dây. Tuyệt đối không phơi áo bằng cách treo móc vì áo sẽ có xu hướng chảy xệ theo chiều dọc.
– Không giặt áo bằng chất giặt có độ tẩy cao. Nếu vô tình giặt chung với một chiếc áo thun màu trắng với những áo màu khác, chất tẩy trong bột giặt sẽ làm áo loang lổ. Luôn giặt áo ở nhiệt độ âm ấm khoảng 40oC.
– Phơi mặt trái của áo: Tốt nhất bạn nên phơi áo ở những nơi râm mát, tránh ánh nắng gắt. Phơi mặt trái nhằm giữ cho màu sắc luôn tươi mới.
– Nên là mặt trái của áo: Áo thun 100% cotton hơi nhàu khi giặt xong. Bạn nên là mặt trái của áo để tránh làm chết màu sắc của vải, và bong tróc những hình ảnh, logo, khẩu hiệu in trên áo.